Bạn có thể tận dụng các nguyên liệu, thực phẩm có sẵn trong nhà bếp để giảm đau và điều trị bệnh nhiệt miệng một cách hiệu quả mà không cần sử dụng thuốc.
Nhiệt miệng là là căn bệnh thường gặp ở tất cả mọi người, biểu hiện ban đầu là khoang miệng xuất hiện những mụn nước nhỏ, sau đó vỡ ra và gây viêm loét. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng như: nóng trong người, thiếu vitamin C, rối loạn nội tiết, tổn thương niêm nạc… Nhiệt miệng gây ra cảm giác đau rát rất khó chịu, gây khó khăn khi ăn uống, đặc biệt là khi ăn đồ mặn, cay, nóng. Khi bị nhiệt miệng, bạn có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có trong nhà bếp và áp dụng một số cách điều trị sau:
Súc miệng bằng nước muối
Đây là biện pháp trị nhiệt miệng hiệu quả và đơn giản nhất
Nước muối có khả năng sát khuẩn rất tốt, có thể làm sạch khoang miệng và loại bỏ vi khuẩn, giúp cải thiện đáng kể tình trạng viêm loét. Chỉ cần pha một chút muối với nước ấm và súc miệng nhiều lần trong ngày, bạn cũng nên sức miệng bằng nước muối hằng ngày để giữ gìn vệ sinh răng miệng.
Bôi dầu dừa
Dầu dừa có đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn, có thể điều trị chứng lở loét một cách hiệu quả. Bạn bôi dầu dừa vào chỗ viêm thường xuyên hoặc súc miệng với dầu dừa 2 lần/ ngày, mỗi lần dùng 1 muỗng và súc miệng trong vòng 15 phút.
Bôi nha đam
Nha đam không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn có thể trị nhiệt miệng
Nha đam có đặc tính mát, kháng viêm tốt. Khi bị nhiệt miệng, bạn hãy cắt một ít nha đam, bóp lấy gel rồi bôi lên vết nhiệt hằng ngày. Ngoài ra, bạn có thể dùng nước ép nha đam để súc miệng, 3 lần/ngày là tốt nhất.
Cà chua
Cà chua là thực phẩm có tác dụng trong việc điều trị nhiệt miệng. Ăn cà chua sống là cách chữa trị hiệu quả, bạn có thể làm nước ép cà chua để uống và ngậm trong miệng mỗi ngày vài lần.
Hạt rau mùi
Bạn lấy một muỗng hạt rau mùi om cùng một ly nước sôi, chờ cho nguội bớt rồi bỏ hạt lấy nước, súc miệng từ 3 – 4 lần/ ngày. Nước hạt rau mùi có tác dụng kháng khuẩn, trị hôi miệng, nhiệt miệng hiệu quả.
Tinh dầu trà
Bạn hòa một chút tinh dầu trà với nước lọc rồi bôi lên vết viêm hằng ngày, hoặc có thể pha thật loãng để làm nước súc miệng nhiều lần trong ngày. Tinh dầu trà có đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn mạnh, giúp trị chứng viêm loét rất tốt.
Mật ong
Có thể sử dụng mật ong hoặc kết hợp thêm với nghệ để trị nhiệt miệng
Mật ong chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có đặc tính khử trùng tốt và giúp vết thương mau lành. Dùng mật ong bôi lên vết nhiệt vài phút rồi rửa lại bằng nước ấm, thực hiện 2 lần mỗi ngày sẽ đem đến hiệu quả rõ rệt.
Baking soda
Không chỉ có tác dụng làm trắng răng, baking soda còn là nguyên liệu có ích để điều trị nhiệt miệng. Cách làm khá đơn giản, pha một chút baking soda với nước sạch và súc miệng nhiều lần trong ngày.
Bên cạnh các biện pháp trên, bạn nên ăn uống điều độ bằng cách hạn chế các thức ăn cay, nóng, nhiều đường. Đồng thời, tăng cường các loại rau củ quả, trái cây, đặc biệt là trái cây giàu vitamin C và uống nhiều nước mỗi ngày để góp phần điều trị nhiệt miệng một cách hiệu quả.