Cơm rượu, bánh ú tro, thịt vịt, các loại trái cây… là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) hằng năm hoặc vào các dịp lễ tết của người Việt. Người xưa quan niệm, 5/5 là ngày tiêu diệt sâu bọ gây hại cho cây trồng và tin rằng nếu ăn rượu nếp hay cơm rượu vào buổi sáng khi bụng đói sẽ làm cho sâu bọ, giun sán trong người chết hết.
Cơm rượu – món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Internet
Cơm rượu là gì?
Cơm rượu (rượu nếp cái) làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp, được nấu chín thành xôi rồi để nguội, sau đó ủ với men cho lên men thành rượu. Thành phẩm cơm rượu có hương vị hấp dẫn, nhiều dinh dưỡng nên được xem là một trong những món ăn ngon, bổ dưỡng trong dân gian, kể cả giới chuyên môn y khoa cũng đánh giá cao.
Công dụng của cơm rượu
- Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn.
- Trong gạo nếp cẩm có chứa hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa tên là Anthocyanin, có tác dụng bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa quá trình phá hủy ADN (yếu tố gây ra ung thư).
- Là món ăn cực tốt cho hệ tim mạch, dùng để dẫn thuốc vào thần kinh và tỳ vị. Ngoài ra, còn giúp giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu. Do đó, những người bị dị ứng hoặc không phù hợp sử dụng các loại thuốc huyết áp thì có thể dùng cơm rượu như một loại thuốc thay thế.
- Hàm lượng sắt có trong gạo nếp rất cao nên phù hợp với những người thiếu sắt. Ăn cơm rượu giúp ngăn ngừa một số bệnh lý liên quan đến tình trạng thiếu sắt, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và sau sinh.
- Nguyên liệu chính để làm cơm rượu là gạo nếp ngon như: gạo nếp lứt, nếp cái hoa vàng, nếp than. Các loại gạo nếp này khi làm cơm rượu vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng phong phú từ lớp vỏ lụa như gluxit, lipit, protit, vitamin B1 cùng nhiều loại muối khoáng khác.
Để làm được món cơm rượu ngọt thơm, không cay, ăn vào không say cũng cần phải có bí quyết. Hãy cùng Mỳ Quảng thực hiện cách làm cơm rượu chuẩn vị miền Nam này nhé!
Chi tiết cách làm cơm rượu dâng cúng ông bà ngày tết ngon ngọt, chuẩn vị
Nguyên liệu
- 1kg gạo nếp ngon
- 6 viên men ngọt nhỏ
- Lá chuối
Các bước thực hiện
Sơ chế
Lá chuối rửa sạch, lau khô, hơ qua lửa.
Gạo nếp vo sạch, nhặt bỏ sạn, vỏ trấu, hạt thóc còn sót rồi để ráo nước. Mang gạo đi ngâm từ 6 – 8 tiếng, vo lại một lần nữa thật nhẹ nhàng để gạo tránh bị vỡ.
Ngâm gạo từ 6 – 8 tiếng. Ảnh: Internet
Nấu cơm nếp
Trước khi mang đi nấu, trộn đều gạo với một ít muối. Để nấu cơm nếp dẻo ngon, bạn có thể tham khảo một trong những cách sau:
- Cách 1: nấu như nấu cơm thông thường. Dùng nồi cơm điện, cho nước lọc vào cao khoảng nửa đốt ngón tay tính từ mặt gạo, rồi nấu đến khi chín.
- Cách 2: dùng xửng hấp (loại nồi 2 tầng), hấp chín gạo bằng sức nóng của hơi nước.
- Cách 3: nấu bằng nồi gang trên bếp củi. Cách nấu này tương tự như nấu bằng nồi cơm điện nhưng bạn phải lưu ý về mực nước, mức độ của lửa và phải để ý khi cơm sôi phải đảo đều để tránh cơm nếp bị bén nồi hay bị nhão.
Cho nếp vào nồi nấu chín. Ảnh: Internet
Nghiền men
Trong khi chờ đợi cơm chín, bạn mang men ra giã hoặc nghiền nhỏ rồi dùng rây lọc để bột men được mịn.
Chuẩn bị men rượu để trộn với cơm nếp. Ảnh: Internet
Trộn men với cơm nếp
Sau khi cơm chín thì múc cơm dàn đều ra đĩa hoặc khay cho mau nguội. Khi thấy cơm nguội bớt, còn hơi ấm ấm thì bắt đầu trộn đều cơm với men đã được nghiền mịn ở bước trên bằng muỗng hoặc bằng tay (nên mang găng tay khi trộn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm).
Chỉ nên trộn men đã giã nhuyễn khi cơm đã nguội, nếu không sẽ làm chết con men. Ảnh: Internet
Ủ cơm rượu
Sau khi cơm đã được trộn đều cùng với men, bạn vo thành từng viên nhỏ, không cần vo chặt quá, để có không khí cho men được hoạt động.
Dùng lá chuối bọc lại để cơm rượu thơm mùi lá chuối hơn. Vo viên xong, xếp lần lượt vào nồi sành, sứ hoặc lọ thủy tinh. Trên cùng cho thêm một lớp lá chuối rồi đậy kín, để ở nơi thoáng mát, tránh gió.
Tùy chất lượng của men và nhiệt độ mà thời gian ủ khác nhau, nhưng để đạt thì cần ủ từ 2 – 3 ngày.
Ủ cơm rượu trong lá chuối cho thơm. Ảnh: Internet
Thành phẩm
Cơm rượu đạt chuẩn khi thấy có nước tiết ra, nếm thử cơm có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng của rượu.
Cơm rượu có vị ngọt thanh, dẻo dai của nếp, ăn không chán và không bị say. Ảnh: Internet
Lưu ý
- Bảo quản trong tủ lạnh để giữ được vị ngọt nồng vừa phải.
- Nếu bạn thích vị ngọt và nhiều nước thì nấu thêm ít nước đường để nguội rồi cho vào.
- Cơm nếp nấu quá khô thì sẽ không tiết ra được nhiều nước rượu, cơm quá nhão thì viên cơm không được chắc.
- Men có kích thước lớn nhỏ khác nhau, khi mua nên hỏi người bán để có được lượng men vừa đủ cho 1kg gạo nếp (1kg gạo dùng khoảng 50g men)
- Men ngon là men còn sáng màu, hương thơm nhẹ.
- Cơm rượu kiểu miền Nam mềm hơn so với vị sần sật kiểu miền Bắc.
- Món này ăn kết hợp với xôi vò thì ngon hơn rất nhiều.
- Với cách làm cơm rượu kiểu miền Bắc thì sẽ làm bằng nếp cẩm. Để chọn được nếp cẩm ngon bạn chọn những hạt to, tròn đều nhau, không bị bể hoặc vỡ.
- Nên chọn những loại nếp còn lớp vỏ trấu bên ngoài, vì lớp này có nhiều vitamin B giúp phục hồi làn da và tăng cân.
Ăn cơm rượu với xôi vò rất ngon. Ảnh: Internet
Thông tin thêm
Bà bầu ăn cơm rượu được không? Bà mẹ cho con bú ăn cơm rượu được không?
- Với các công dụng tốt cho sức khỏe, nên bà bầu hoặc mẹ cho con bú hoàn toàn ăn được cơm rượu nếu sức khỏe bình thường. Tiêu thụ với lượng vừa phải và khoa học sẽ giúp ích cho sức khỏe của mẹ và bé.
Ăn cơm rượu có tác dụng gì?
- Cơm rượu không chỉ được ăn vào Tết Đoan Ngọ truyền thống mà ngày nay món ăn này còn được sử dụng rộng rãi vào bất cứ thời điểm nào trong năm nhờ có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe như tốt cho tiêu hóa, ngừa thiếu máu, bổ sung vitamin B1,…
Ăn cơm rượu có giảm cân không?
- Khi ăn cơm rượu sẽ giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng cường khả năng chuyển hóa chất đạm và chất béo. Chính vì thế, ăn cơm rượu thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Tác hại của cơm rượu?
- Theo Đông y, cơm rượu có vị ngọt, tính ấm vì vậy không nên sử dụng cho người có thể trạng nóng (biểu hiện là mẩn ngứa hay nổi mụn, vàng da, người mệt mỏi, môi căng đỏ, khô ráp,…) hoặc các bạn trẻ ở độ tuổi dậy thì cũng không nên dùng nhiều sẽ gây ra tình trạng mụn trứng cá.
Ăn cơm rượu lúc nào là tốt nhất?
- Có thể ăn cơm rượu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng buổi sáng vẫn là tốt nhất. Bạn nên ăn lót dạ trước rồi mới dùng cơm rượu, tránh ăn vào lúc bụng đang trống rỗng vì vị chua trong cơm rượu có thể làm tăng axit làm cho niêm mạch dạ dày kích ứng, khó chịu.
Dùng cơm rượu đúng cách để đem lại hiệu quả tốt nhất. Ảnh: Internet
Trên đây là những thông tin hữu ích cũng như hướng dẫn chi tiết cách làm cơm rượu thơm ngon, chuẩn vị, không say, không cay để bạn có thể thực hiện tại nhà. Với cách làm vô cùng đơn giản, bạn sẽ có một mẻ cơm rượu ngon, an toàn để cùng gia đình thưởng thức trong dịp Tết Đoan Ngọ hay bất cứ ngày nào khác trong năm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm cách làm các món ăn ngon khác được cập nhật trong chuyên mục. Chúc các bạn thực hiện thành công.