Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Là nét biểu trưng cho lịch sử cội nguồn, trong tâm thức người Việt, bánh chưng mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên, bày tỏ lòng hiếu kính nên luôn có mặt trên mâm cỗ những ngày đầu năm. Hãy cùng Mỳ Quảng tìm hiểu cách gói bánh trưng đặc sắc này nhé!
Bánh chưng xanh là món ăn truyền thống, quen thuộc, gắn liền với bao thế hệ con người
“Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Trong ngày đầu năm mới, những chiếc bánh chưng vuông vắn, xinh đẹp sẽ được chọn để dâng lên ông bà, tổ tiên. Do đó, vào những ngày cận Tết, các gia đình thường sẽ cùng nhau làm món bánh này. Hình ảnh mọi người sum vầy bên bếp lửa, vừa buôn chuyện, vừa canh nồi bánh chín đã trở thành nét truyền thống mà mỗi dịp Tết đến xuân về, người ta đều nhớ đến.
Cách gói bánh chưng ngày Tết đẹp, nhanh, đơn giản nhất
Nguyên liệu
- Gạo nếp cái hoa vàng
- Đậu xanh đã đãi vỏ
- Thịt mỡ
- Tiêu xay, muối
- Lá dong/ lá chuối
- Lạt buộc
Các bước gói bánh
Chuẩn bị nhân (đậu xanh, thịt, lá, gạo nếp)
Gạo nếp vo sạch, ngâm mềm rồi vớt ra để ráo, sau đó xóc cùng chút muối.
Đậu xanh ngâm mềm, nhặt bỏ hạt xấu, vớt ra để ráo rồi trộn đều với ít muối cho đậm vị. Bạn có thể đem đậu đi đồ chín trước hoặc để sống gói luôn cũng được.
Thịt mỡ làm sạch, cắt miếng hoặc để nguyên khối vuông có kích thước đủ làm nhân, ướp với chút tiêu xay để có vị cay.
Lá dong rửa sạch, để khô nước.
Gói bánh
Gói bánh chưng không cần khuôn
Bước 1: Dùng 2 lá dong xếp vuông góc có mặt úp xuống dưới. Dùng 2 lá dong khác xếp vuông góc đặt lên trên và có mặt ngửa lên (như hình bên dưới). Sau đó, cho 1 chén gạo nếp vào giữa lá.
Bước 2: Tiếp tục cho ½ chén đậu xanh vào giữa phần nếp và xếp thịt mỡ lên. Sau đó, xúc thêm ½ chén đậu xanh phủ lên thịt mỡ. Cuối cùng, bạn cho 1 chén nếp vào bao kín phần đậu và thịt.
Bước 3: Gấp lá dong theo thứ tự phải trái trước, trên dưới sau. Làm lần lượt cho từng lớp lá dong. Chú ý, ở phần trên và dưới, bạn nên dùng 2 ngón tay bóp lá dong vào trong rồi gập lại.
Bước 4: Bánh chưng sau khi được gói lá, bạn dùng lạt buộc để cố định bánh. Tùy vào kích thước bánh mà bạn có thể dùng 4 hoặc 6 lạt buộc.
Gói bánh chưng bằng khuôn
Bước 1: Xếp 4 lá dong tương tự như bước 1 của cách gói bánh chưng không dùng khuôn. Đặt khuôn trong vào giữa lá và gói khuôn lại. Ở bước này, bạn không cần gói quá kỹ, chỉ cần gấp các đầu lá dong lại để bao chặt khuôn trong và tạo nếp là được.
Bước 2: Đặt khuôn trong vào khuôn ngoài, điều chỉnh đến khi thấy lá dong được tạo hình vuông vức, bạn mở lá và lấy khuôn trong ra.
Bước 3: Cho nếp, đậu xanh, thịt mỡ lần lượt vào khuôn và gói như cách trên.
Bước 4: Sau khi gói xong, bạn dùng tay giữ chặt bánh và tiến hành lấy khuôn ngoài ra và bắt đầu buộc lạt.
Cách luộc bánh ngon, rền không nát
Đặt bánh chưng thẳng đứng, khít vào nồi.
Cho nước vào ngập mặt bánh. Tiếng hành luộc từ 10 – 12 tiếng. Chú ý trong quá trình nấu, bạn phải giữ mực nước luôn ngập mặt bánh và lửa cháy đều.
Bánh sau khi nấu xong, lấy ra cho vào nước lạnh, lau sạch và đặt lên mâm, để chỗ thoáng mát.
Bánh được xếp thẳng đứng, khít trong nồi. Ảnh: Internet
Yêu cầu thành phẩm và thưởng thức
Bánh chưng phải chín đều, phần nếp dẻo, thơm bọc trọn nhân.
Nhân bánh đậm đà, có chút vị mặn, cay tê tê và béo thơm. Bánh có hình vuông vức đẹp mắt.
Một số lưu ý
- Bạn nên chọn loại gạo nếp cái hoa vàng để món bánh hấp dẫn hơn. Thịt mỡ cần dùng loại mỡ nhiều, không nên chọn miếng thịt quá nạc.
- Lá dong nên lấy lá không quá già hay quá non, phải có kích thước vừa, đều nhau, không bị rách, có màu xanh tươi.
- Lạt buộc phải được chẻ từ ống giang để mỏng, mềm, dẻo dai.
- Bánh chưng có thể kết hợp cùng dưa hành, rau quả, chấm xì dầu,… để tăng độ hấp dẫn.
Một số cách gói bánh khác
Bánh chưng nếp cẩm
Nếp cẩm hay còn được gọi là nếp than, có màu đen nhưng khi nấu chín sẽ chuyển sang màu tím, nhìn vô cùng đẹp mắt. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, nếp cẩm rất được ưa chuộng dùng để làm nên nhiều món ngon, thú vị như: xôi, bánh, ăn kèm sữa chua,… Đặc biệt là làm món BÁNH CHƯNG đầy hấp dẫn.
Bánh có màu tím đẹp mắt. Ảnh: Internet
Bánh chưng chay
Nếu bạn bị ngán với các món ăn nhiều dầu mỡ thì bánh chưng chay là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày đầu năm. Với hương vị thanh đạm được tạo nên bởi vị ngọt thơm của nếp hòa quyện trong vị béo béo, bùi bùi của nhân đậu xanh được tẩm ướp chút tiêu cay, muối, chắc chắn đây sẽ là món ăn khiến bạn phải thích mê.
Món bánh thanh đạm phù hợp với những ai không thích nhiều dầu mỡ. Ảnh: Internet
Bánh chưng gù
Bánh chưng gù có hình dáng nhỏ nhắn, gồm 2 màu xanh và đen tượng trưng cho những dãy núi tại Hà Giang cũng như ý chí của những con người nơi đây. Bánh có hương vị đặc biệt, khi mở ra sẽ có mùi thơm, vị đậm đà của nhân bánh kết hợp từ đậu xanh, thịt được tẩm ướp theo công thức riêng sẽ giúp thực khách cảm nhận sự khác biệt của món bánh này.
Bánh chưng gù nhỏ nhắn nhưng hấp dẫn. Ảnh: Internet
Bánh chưng gấc
Ngoài món xôi gấc thì bánh chưng gấc cũng là sự lựa chọn tuyệt vời để làm đặc sắc hơn cho mâm cỗ ngày Tết. Cách gói bánh cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần trộn gấc với nếp rồi gói bánh tương tự như bình thường là được.
Bánh chưng gấc có màu sắc bắt mắt mang ý nghĩa của sự may mắn. Ảnh: Internet
Bánh chưng cốm
Bánh chưng cốm là phiên bản đặc biệt được biến tấu từ công thức gói bánh chưng truyền thống. Món ăn này thu hút người ăn bởi hương thơm nồng nàn của thức quà mùa thu kết hợp cùng nhân đậu, thịt bùi béo thơm cay rất hấp dẫn.
Bánh chưng cốm có mùi thơm nồng nàn của thức quà mùa thu. Ảnh: Internet
Bánh chưng ngũ sắc
Tượng trưng cho ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, bánh chưng ngũ sắc được đông đảo thực khách đón nhận không chỉ vì hương vị mới lạ, thơm ngon mà còn bởi màu sắc bắt mắt, độc đắc, điểm tô thêm sự đa dạng cho mâm cỗ ngày Tết.
Đây là món bánh độc đáo với nhiều màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Ảnh: Internet
Bánh chưng nhân cá hồi
Nhiều người cho rằng bánh chưng thì không thể thiếu thịt heo, tuy nhiên bạn sẽ phải bất ngờ với phiên bản bánh chưng nhân cá hồi siêu đặc biệt, vừa thơm ngon, vừa lạ miệng. Đây cũng là món bánh được nhiều người yêu thích dùng để làm quà Tết.
Bạn sẽ phải bất ngờ với món bánh chưng thay thịt mỡ bằng cá. Ảnh: Internet
Bánh chưng chiên
Nếu bạn muốn ăn bánh chưng và yêu thích sự giòn nóng thì hãy thử món bánh chưng chiên mới lạ, hấp dẫn. Bánh chưng chiên thường được ăn kèm với dưa chua, chả lụa, rưới thêm chút xì dầu là ngon hết ý.
Bánh chưng chiên có độ giòn, cứng hấp dẫn. Ảnh: Internet
Bánh chưng Tày
Bánh chưng Tày có màu đen đặc biệt, được gói theo hình trụ dài như bánh tét của người miền Trung và Nam. Người con gái người Tày trước khi về nhà chồng sẽ được mẹ dạy Cách Gói Bánh Chưng này sao cho đẹp, ngon, khi bóc ra lạt gói phải hằn đều lên thân bánh. Đây là món bánh truyền thống của người Tày nên khi chế biến sẽ tuân theo những nguyên tắc riêng.
Màu đen của bánh chính là điểm đặc biệt khiến thực khách chú ý đến món bánh chưng này. Ảnh: Internet
Tết sẽ không còn là Tết nếu thiếu bánh chưng xanh. Ngày nay, món ăn này được làm sẵn và bày bán ở nhiều nơi. Nhưng truyền thống cùng gia đình quây quần gói bánh bên bếp lửa sẽ luôn được duy trì, tồn tại. Hy vọng với bài viết cách gói bánh chưng của Mỳ Quảng, bạn sẽ có thể tự tay làm nên những chiếc bánh xinh xắn cho ngày Tết thêm trọn vẹn.